Phương pháp trị liệu ABA là gì?
ABA là viết tắt của từ Phân tích Hành vi ứng dụng (Applied Behavior Analysis). Trong tất cả các phương pháp can thiệp cho rối loạn phổ tự kỷ, ABA hay được ví là một “tiêu chuẩn vàng” dành cho các phiên trị liệu. ABA dựa trên Tâm lý học hành vi và hoạt động dựa trên việc củng cố hành vi.
ABA được xem xét như là một phương pháp trị liệu thực hành dựa trên bằng chứng tốt nhất bởi Tổng Y sinh Hoa Kỳ và Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ. Thuật ngữ “dựa trên bằng chứng” nghĩa là ABA đã được chứng minh thông qua các bài lượng giá khoa học về độ hữu ích, công dụng, chất lượng cũng như mức độ ảnh hưởng của phương pháp này.
Phương pháp ABA lấy hành vi làm trung tâm. Các nhà tâm lý học hành vi tin rằng, hành vi và các kỹ năng xã hội có thể được “học” thông qua việc giáo dục và những thay đổi của môi trường. ABA giúp hiểu hơn về cách vận hành của hành vi, những ảnh hưởng của môi trường lên hành vi và “sự học” được diễn ra như thế nào. Khi sử dụng ABA, cần tập trung vào sự thích nghi và phù hợp của hành vi trong các tương giao xã hội.
Vì sao ABA là tiêu chuẩn vàng trong trị liệu cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ?
Mục tiêu của phương pháp này là giúp tăng cường các hành vi phù hợp, mang tính thích nghi cao; giúp trẻ trở nên độc lập hơn; và làm giảm các hành vi không mong đợi, khó thích nghi, rập khuôn và cứng nhắc. Đây là lý do phương pháp này trở nên phổ biến với các phiên trị liệu cho trẻ có các hành vi điển hình như trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
“Củng cố tích cực” trong phương pháp trị liệu ABA là gì?
Để hiểu được chiến lược can thiệp ABA, người sử dụng cần hiểu được thuật ngữ “củng cố tích cực”. Theo các nhà tâm lý học hành vi, khi một hành vi tạo ra giá trị (có thể hiểu là một phần thưởng), con người có xu hướng sẽ thực hiện hành vi đó nhiều hơn. Những phần thưởng tích cực khuyến khích con người sử dụng những kỹ năng, từ đó dần dần thay đổi thành những hành vi có ý nghĩa. Để làm được điều này, đầu tiên, người sử dụng cần xác định được hành vi mong muốn. Mỗi khi trẻ thực hiện hành vi mong muốn, trẻ sẽ nhận được một phần thưởng. Phần thưởng này thường sẽ có những ý nghĩa nhất định với trẻ, ví dụ như là được khen thưởng, được món đồ chơi yêu thích, được đi chơi công viên hoặc điều gì đó khác.
Mô hình A-B-Cs trong phương pháp trị liệu ABA là gì?
Ngoài ra, việc sử dụng mô hình A-B-Cs cũng quan trọng trong quá trình can thiệp cho trẻ. Trong mô hình này có tiền đề (antecedent), hành vi (behavior) và hệ quả (consequences).
- Tiền đề: là những gì xuất hiện ngay trước khi có những hành vi mục tiêu (là hành vi cần được thay thế). Những điều này thường là những yêu cầu, mệnh lệnh hoặc là đề xuất bằng lời của người lớn, cũng có thể là những điều xảy ra ở môi trường xung quanh như ánh sáng, âm thanh. Tiền đề có thể từ con người, môi trường hay thậm chí là từ bên trong trẻ như suy nghĩ hay cảm xúc.
- Hành vi: là cách mà trẻ phản ứng với tiền đề hoặc là cách mà trẻ thực hiện để “làm lơ” tiền đề. Nó có thể có lời hoặc không lời, bằng hình thể.
- Hệ quả: là những gì sẽ xảy ra ngay sau hành vi. Trong phương pháp ABA, hệ quả chính là những củng cố tích cực đối với các hành vi mong muốn. Tuy nhiên, khi trẻ thực hiện những hành vi cần thay thế thì hệ quả sẽ là trẻ không đạt được phần thưởng của mình. Đối với trường hợp này, người sử dụng sẽ không thể hiện bất cứ phản ứng nào với hành vi của trẻ.
Phương pháp trị liệu ABA được áp dụng như thế nào?
Được đánh giá là đa dạng và linh hoạt, đây là phương pháp có thể được áp dụng trên cá nhân cho nhóm. Lưu ý rằng không phải cứ ABA là phù hợp với trẻ. Mỗi chiến lược ABA khác nhau sẽ phù hợp với từng trẻ riêng biệt. Tất cả chiến lược hướng đến mục tiêu chung là giúp trẻ trở nên độc lập nhất có thể.
Mô hình này giúp người sử dụng có cái nhìn rõ ràng hơn về nguyên nhân xuất hiện các hành vi này hay những hệ quả khác nhau của mỗi hành vi khác nhau. Lấy ví dụ, khi thấy ánh sáng quá mạnh khiến trẻ bị chói mắt, trẻ la lên và tự đánh vào đầu, người sử dụng có thể cầm tay trẻ đưa đến công tắc và hướng dẫn trẻ nhấn nút để tắt đèn đi. Những lần sau đó, người sử dụng có thể nhắc hoặc gợi ý cho trẻ mỗi khi gặp ánh sáng mạnh làm chói mắt. Khi trẻ có thể tự thực hiện được (kể cả khi được nhắc hoặc gợi ý), trẻ cần được khen ngợi và khuyến khích để tiếp tục củng cố duy trì hành vi.
Thông thường, chuyên viên sử dụng phương pháp Phân tích Hành vi ứng dụng sẽ được đào tạo và chứng nhận bởi Hội đồng, được đào tạo và vượt qua kỳ thi quốc gia. Chiến lược can thiệp ABA sẽ được xây dựng dựa trên kỹ năng, mức độ nhận thức, nhu cầu, sở thích và hoàn cảnh gia đình của từng trẻ. Mỗi chiến lược được thiết kế riêng.
Ưu điểm nổi trội của phương pháp trị liệu ABA
Phương pháp có hàng loạt ưu điểm như:
- Dễ dàng cung cấp cho phụ huynh một kế hoạch dạy trẻ tại nhà, bởi vì phương pháp này rất chi tiết và có cấu trúc nhất định.
- Có thể sử dụng ABA để dạy cho trẻ cả những kỹ năng cơ bản và phức tạp.
- Điều quan trọng nhất là phương pháp này chứng minh được rằng trẻ tự kỷ vẫn có khả năng học hỏi.
Thực tế trẻ có rối loạn phổ tự kỷ có khả năng học hỏi tốt hơn những gì ta được biết. Đây là phương pháp nổi tiếng nhất trong việc thay đổi các hành vi không moong đợi của trẻ, ví dụ như khi trẻ trở nên giận dữ hoặc những thói quen cứng nhắc, không chỉ được sử dụng cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, mà còn có thể ứng dụng cho trẻ có những rối loạn phát triển tâm thần khác.
Để khắc phục các điểm yếu của ABA như là việc “khái quát hoá” các kỹ năng ngoài chương trình học, các biện pháp mới về hành vi được ra đời dựa trên mô hình của ABA, như là ESDM (Mô hình Can thiệp sớm Denver) được sử dụng cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở môi trường “tự nhiên” mà trẻ hiện đang theo học.
Vì sao cần áp dụng nhiều phương pháp trị liệu cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ?
Bên cạnh những ưu điểm, phương pháp này cũng có các hạn chế nhất định khi được sử dụng không linh hoạt và theo khuynh hướng cá nhân độc lập.
Vì lấy hành vi làm trung tâm nên phương pháp này đã bỏ qua các yếu tố khác. Cái tôi và những điều đặc biệt của trẻ là một ví dụ. Người trị liệu thường sẽ tập trung vào những hành vi được cho là “không phù hợp” nhiều hơn là việc phát triển các kỹ năng khác như ngôn ngữ. Vì có tiêu chuẩn cho các “hành vi phù hợp” mà vô hình chung, người trị liệu có nguy cơ cố gắng biến trẻ thành một trẻ “bình thường”. Trong quá trình cố gắng khiến trẻ hành động như những trẻ khác, người trị liệu vô tình đang nói với trẻ rằng “hành vi của con là sai”. Việc dán nhãn “sai” cho các hành vi tự nhiên của trẻ như vẫy tay hay xoay tròn có thể khiến trẻ cảm thấy bị phủ định những nhu cầu của bản thân.
Cảm xúc của trẻ cũng là một hạn chế của phương pháp này. Ví dụ, phương pháp ABA có thể dạy cho trẻ việc vẫy tay để chào tạm biệt mỗi khi rời đi, nhưng không thể dạy trẻ cảm nhận và hiểu những kết nối cảm xúc với người khác trong hành động này.
Tại Học Viện Thế Giới Hạnh Phúc , chuyên viên sẽ sử dụng nhiều kỹ thuật trong ABA giúp trẻ nhận được quy trình can thiệp phù hợp và toàn diện nhất, cung cấp cho trẻ những kỹ năng và cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ một cách độc lập nhất có thể.
Để giải đáp các thắc mắc, ba mẹ vui lòng gọi đến số Hotline 0932.64.35.39 hoặc inbox cho fanpage Học Viện Thế Giới Hạnh Phúc TẠI ĐÂY.
Nguồn tham khảo:
- Bùi Hải Nguyên (2021); Tài liệu: Phân tích Hành vi ABA căn bản – Nền tảng và Ứng dụng; Trung tâm Psychub.
- Applied Behavior Analysis (ABA); https://www.autismspeaks.org/applied-behavior-analysis.
- Lisa Jo Rudy; 2022; What is Applied Behavioral Analysis (ABA) Therapy for Autism? – ABA can teah skills and change behaviors; https://www.verywellhealth.com/aba-applied-behavioral-analysis-therapy-autism-259913.