Hành vi không phù hợp ở trẻ rối loạn phổ tự kỷ là gì?
“Hành vi được mô tả là thách thức/không phù hợp khi có cường độ, tần suất hoặc thời lượng đe dọa đến chất lượng cuộc sống, sự an toàn của cá nhân và những người khác. Hành vi này có thể dẫn đến các phản ứng hạn chế, chống đối hoặc né tránh.”[1]
Một hành vi có thể là không phù hợp (thách thức) không được chấp nhận trong hoàn cảnh này nhưng có thể là hành vi phù hợp trong hoàn cảnh khác. Ví dụ, ở trường học, một học sinh rời khỏi lớp để chạy ra sân chơi khi thầy giáo đang giảng bài, là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, hành vi tương tự sẽ phù hợp và cần thiết khi có chuông báo cháy reo lên.
Phân loại hành vi không phù hợp ở trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Hành vi không phù hợp có thể xảy ra theo nhiều hình thức.
- Các hành vi thụ động như không tuân thủ, rút lui, lẫn tránh, không chú ý, hoặc thiếu phản hồi, không gây rối quá mức nhưng vẫn gây trở ngại cho hiệu suất hoạt động và sự tham gia hoạt động.
- Các hành vi chủ động như trực tiếp từ chối tham gia, chống đối, gây hấn với người khác, phá hoại tài sản, hoặc hành vi tự làm mình tổn thương, không chỉ gây trở ngại cho việc thực hiện và tham gia hoạt động, mà còn có thể gây rối hoặc gây hại.
Cả hai hình thức thụ động và chủ động đều có thể rất khó để quản lý.
Các hành vi không phù hợp có thể bao gồm:
- Làm tổn thương người khác (giật tóc, đánh, đâm vào đầu,)
- Tự gây thương tích (đập đầu, chọc mắt, cắn tay…)
- Hành vi phá hoại (ném đồ đạc, đập phá đồ đạc, xé nát đồ đạc…)
- Ăn những đồ vật không ăn được (tàn thuốc, nắp bút, khăn trải giường…)
- Các hành vi khác (khạc nhổ, bôi nhọ, cởi quần áo nơi công cộng, bỏ chạy…)
Vì sao trẻ rối loạn phổ tự kỷ có hành vi không phù hợp?
Trẻ thể hiện những hành vi không phù hợp vì nhiều lý do. Một số lý do xuất phát từ bên trong trẻ và một số lý do khác liên quan đến các yếu tố bên ngoài.
Các yếu tố bên trong
- Mong muốn kiểm soát: Muốn dùng hành vi để kiểm soát tình huống đang xảy ra.
- Mệt mỏi
- Bệnh tật: cảm thấy khó chịu do gặp các vấn đề bệnh về tiêu hóa hoặc các bệnh tật khác
- Giao tiếp không hiệu quả
- Đau đớn
- Điều chỉnh tình cảm kém
- Tự điều chỉnh kém
- Xử lý cảm giác kém
Các yếu tố bên ngoài
- Yêu cầu công việc cao hơn mức độ kỹ năng
- Thay đổi thời gian biểu
- Xuất hiện người lạ
- Địa điểm không quen thuộc
Mỗi hành vi đều phục vụ cho một mục đích nhất định. Các nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua đã xác định ba mục đích chính của hành vi thách thức:
- Đạt được đối tượng/sự kiện như mong muốn
- Tránh một tình huống
- Thoát khỏi một đối tượng, sư kiện hoặc nhiệm vụ không mong muốn
Khi nào trẻ rối loạn phổ tự kỷ có hành vi không phù hợp?
Khó khăn trong giao tiếp là một trong những triệu chứng cốt lõi của trẻ rối loạn phổ tự kỷ dẫn đến trẻ thường phát triển các cơ chế đối phó để giao tiếp biểu hiện thành những hành vi thách thức.
Trong nhiều trường hợp, hành vi thách thức là một cách để trẻ kiểm soát những gì đang diễn ra xung quanh, để đáp ứng nhu cầu của trẻ nhằm làm cho thế giới khó hiểu của trẻ dễ đoán hơn. Trẻ cũng có thể bị ốm hoặc đau, hoặc muốn có được một cái gì đó. Trong những thời điểm lịch sinh hoạt của trẻ bị thay đổi, gián đoạn hoặc căng thẳng, hành vi không phù hợp của trẻ có thể tăng lên.
Theo các nhà nghiên cứu của Mạng lưới điều trị chứng tự kỷ Autism Speaks cho biết có rất nhiều trẻ tự kỷ có vấn đề về hành vi gây khó khăn cho trẻ, gia đình và người chăm sóc.
Các nhà nghiên cứu của Mạng lưới Điều trị Tự kỷ Autism Speaks (ATN) tuyên bố rằng có hơn 50% trẻ tự kỷ có thể hung hăng đối với người chăm sóc, trẻ và người lớn khác. Các hành vi có thể bao gồm đánh, đá, cắn hay các vấn đề hành vi khác có thể bao gồm như: hiếu động, lo lắng, tự làm mình bị thương bằng cách đánh hoặc đập đầu, cắn bàn tay và ngón tay…
Cách quản lý hành vi hiệu quả cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Để quản lý hiệu quả các hành vi thách thức thì cần xác định được mục đích mà trẻ muốn đạt được khi thực hiện hành vi đó. Mục đích của hành vi thách thức chỉ có thể được xác định chính xác bởi trẻ, hoặc thông qua phân tích cẩn thận những yếu tố đã duy trì và tăng cường hành vi đó.
Tuy nhiên trong một số trường hợp trẻ thực hiện những hành vi thách thức nhưng không thể nói rõ mục đích hành vi của mình. Vậy nên các chuyên gia có thể là giáo dục đặc biệt, hoạt động trị liệu, hoặc nhà tâm lý học được đào tạo về trị liệu hành vi sẽ phân tích hành vi của trẻ bao gồm các yếu tố như tiền đề (yếu tố xảy ra trước và kích hoạt hành vi không mong muốn), hành vi và hậu quả (sự kiện sau khi hành vi xảy ra), từ đó đưa ra các chiến lược can thiệp hiệu quả giúp trẻ giảm thiểu những hành vi không mong đợi, xây dựng, củng cố những hành vi tốt, đồng thời hướng dẫn người chăm sóc cách ứng phó khi trẻ có những hành vi không phù hợp giúp cho việc quản lý hành vi của trẻ tốt hơn.
Để giải đáp các thắc mắc, ba mẹ vui lòng gọi đến số Hotline 0932.64.35.39 hoặc inbox cho fanpage Học Viện Thế Giới Hạnh Phúc TẠI ĐÂY.
Tài liệu tham khảo:
- Formal definitions: https://www.challengingbehaviour.org.uk/wp-content/uploads/2021/02/Formal-definitions.pdf
- Quick read Challenging Behaviour guide: https://www.challengingbehaviour.org.uk/wp-content/uploads/2021/03/quickreadchallengingbehaviourguidev6.pdf
- Autism Speak: https://www.autismspeaks.org/behavioral-resources
- The challenging behaviour foundation: https://www.challengingbehaviour.org.uk/understanding-challenging-behaviour/what-is-challenging-behaviour/
[1] Theo Đại học Tâm thần Hoàng gia, Hiệp hội Tâm lý Anh, Đại học Hoàng gia về Trị liệu Ngôn ngữ và lời nói, (2007) Hành vi thách thức-một cách tiếp cận thống nhất