TRỊ LIỆU CẢM GIÁC CHO TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ

14 April, 2023

Khó khăn trong quá trình tích hợp cảm giác hoặc xử lý cảm giác là những vấn đề lâu dài và có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và học tập hàng ngày của trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, nếu nhận được lời khuyên của các chuyên gia và thực hiện những can thiệp thích hợp, trẻ sẽ có các cải thiện trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Cùng tìm hiểu về những khó khăn trong xử lý cảm giác và phương pháp trị liệu cảm giác cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ qua bài viết của Học Viện Thế Giới Hạnh Phúc.

Vì sao trẻ rối loạn phổ tự kỷ cần trị liệu cảm giác?

Tích hợp cảm giác là gì?

Tích hợp cảm giác (hay còn gọi là xử lý cảm giác) đề cập đến quá trình diễn ra trong não bộ cho phép trẻ tiếp nhận tín hiệu từ các giác quan,  xem xét kỹ lưỡng các tín hiệu đó và phản ứng một cách thích hợp. Nói cách khác Tích hợp cảm giác là cách trẻ trải nghiệm, diễn giải và phản ứng (hoặc bỏ qua) thông tin đến từ các giác quan.

Xử lý cảm giác rất quan trọng trong tất cả những hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như mặc quần áo, ăn uống, di chuyển xung quanh, giao lưu, học tập,… Thông tin cảm giác được nhận từ các giác quan của trẻ bao gồm thính giác, thị giác, xúc giác, khứu giác, vị giác, tiền đình (nhận thức về chuyển động, thăng bằng và phối hợp), tri giác (giác quan nhận biết về cơ thể và vị trí) và hệ nội cảm (hệ thống cảm giác cho trẻ nhận thức những gì đang xảy ra bên trong cơ thể, chẳng hạn như đói, nhu cầu đi vệ sinh, mệt mỏi, cảm xúc, v.v.).

Các vấn đề về cảm giác ở trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Điều gì xảy ra nếu các tín hiệu đến từ các giác quan của trẻ quá yếu? Hay quá mạnh? Hoặc nếu bộ não của trẻ phản ứng quá nhạy cảm hoặc kém nhạy cảm đối với các tín hiệu? Hoặc nếu bộ não không thể hiểu được những tín hiệu đó? Trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc tích hợp cảm giác và điều này có thể thấy rõ trong hành vi của trẻ. Một số trẻ có thể cảm thấy các yếu tố đầu vào cảm giác choáng ngợp và khó chịu, dẫn đến “quá tải cảm giác”. Trẻ cũng có thể quá nhạy cảm với giác quan này nhưng lại kém nhạy cảm ở giác quan khác ví dụ như trẻ có thể rất nhạy cảm với những âm thanh bên ngoài sân trường khi đang ở trong lớp học nhưng lại  không nhận thấy khi có người chạm vào mình từ phía sau.

Khó khăn về tích hợp cảm giác có thể đồng thời xảy ra với các chẩn đoán khác (bao gồm rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hội chứng di truyền và khuyết tật học tập), nên rất khó để đưa ra một con số chính xác về tỷ lệ hiện mắc.

Ước tính có khoảng 45%-96% trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ thể hiện những khó khăn về tích hợp cảm giác (Ben-Sasson và cộng sự 2009; Lane và cộng sự 2010)

Một số hành vi thường gặp về cảm giác ở trẻ rối loạn phổ tự kỷ có thể bao gồm:

  • Chuyển động nhiều hơn như nhảy, quay tròn hoặc đâm vào đồ vật
  • Thích cảm giác rung lắc như vỗ tay, tạo ra tiếng động lặp đi lặp lại hoặc lắc lư qua lại
  • Nói nhanh hơn và to hơn, hoặc hoàn toàn không nói
  • Che tai hoặc mắt
  • Khó nhận biết cảm giác bên trong cơ thể như đói, đau hoặc đi vệ sinh
  • Từ chối hoặc chỉ ăn một số loại thực phẩm hoặc chỉ mặc một số loại quần áo nhất định
  • Thường xuyên nhai những thứ không phải thức ăn
  • Thường xuyên chạm vào người khác hoặc chơi một cách thô bạo
  • Khó khăn trong giao tiếp hoặc phản ứng vì não bộ gặp thách thức để xử lý những tín hiệu từ giác quan
  • Cảm xúc tăng tiến, quá tải hoặc cần thoát khỏi một tình huống

Việc hiểu và đáp ứng những nhu cầu về cảm giác mà trẻ tìm kiếm sẽ mở ra cơ hội cho trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ học hỏi, hòa nhập cộng đồng và giao tiếp.

Tất cả chúng ta đôi khi thường cảm thấy phản ứng kém hoặc quá nhạy cảm với các tín hiệu từ giác quan, ví dụ nếu bạn đang đau đầu, âm thanh có thể trở nên quá khó chịu hoặc ánh sáng bỗng khiến bản cảm thấy quá chói chang; bạn có thể cảm thấy mất khả năng phối hợp hoặc khó tập trung nếu bạn đang mệt mỏi. Nhưng những cảm giác này chỉ là tạm thời và thường sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày về lâu dài. Khó khăn trong quá trình tích hợp cảm giác hoặc xử lý cảm giác là những vấn đề lâu dài và có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và học tập hàng ngày của trẻ. Tuy nhiên, nếu nhận được lời khuyên của các chuyên gia và thực hiện những can thiệp thích hợp, trẻ sẽ có các cải thiện trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Phương pháp trị liệu cảm giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Lý thuyết và liệu pháp trị liệu cảm giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Tiến sĩ Anna Jean Ayres là người sáng lập lý thuyết và liệu pháp tích hợp cảm giác. Bà là nhà hoạt động trị liệu, nhà tâm lý học giáo dục, nhà thần kinh học, giảng viên, nhà nghiên cứu, tác giả và nhà thực hành được biết đến rộng rãi. Là người cố vấn cho hàng trăm chuyên viên trị liệu trên khắp thế giới, Ayres không chỉ khiến cho cuộc sống những đứa trẻ mà cô ấy đã điều trị trở nên tốt đẹp hơn, mà còn giúp cho hàng nghìn người khác. Liệu pháp Tích hợp cảm giác, cụ thể là Tích hợp cảm giác Ayres hiện đã được công nhận là phương pháp thực hành dựa trên bằng chứng thông qua bài báo cáo “Thực hành dựa trên bằng chứng cho trẻ em, thanh niên và người trưởng thành mắc chứng tối loạn phổ tự kỷ” được xuất bản bởi  Viện Phát triển Trẻ em  Frank Porter Graham có trụ sở tại Hoa kỳ, Tổ chức Thanh tra quốc gia hàng đầu của Hoa Kỳ về Bằng chứng và thực hành Tự kỷ.

Áp dụng trị liệu cảm giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Liệu pháp tích hợp cảm giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ được thực hiện bởi một chuyên viên hoạt động trị liệu, âm ngữ trị liệu hoặc vật lý trị liệu có trình độ chuyên môn và đã qua khóa đào tạo về Tích hợp cảm giác.

Liệu pháp tích hợp cảm giác (hoặc can thiệp xử lý cảm giác) bao gồm các hoạt động có cấu trúc với đầu vào cảm giác, liệu pháp vận động, thăng bằng, được thiết kế cẩn thận và điều chỉnh phù hợp (ví dụ: thay đổi môi trường hoặc thói quen). Một chuyên gia Tích hợp cảm giác có thể làm việc với trẻ, gia đình của trẻ, người chăm sóc, trường học, các chuyên gia y tế khác,… để tạo ra một “chế độ ăn theo cảm giác” cho một trẻ cụ thể . Chế độ ăn theo cảm giác là một tập hợp các hoạt động và chiến lược cảm giác (có thể được thực hiện cả trong các buổi trị liệu tại nhà hoặc trường học), cung cấp cho trẻ những tín hiệu  đầu vào cảm giác mà trẻ cần.

Nghiên cứu về hiệu quả của liệu pháp tích hợp cảm giác đối với trẻ Tự kỷ của Babak Kashefimehr, Hülya Kayihan, and Meral Huri đã chứng minh rằng các liệu pháp tích hợp cảm giác có thể cải thiện khả năng xử lý cảm giác ở trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ. Do đó, các nhà trị liệu có thể coi nó như một liệu pháp có thể tùy chỉnh hiệu quả để cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động của trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ.

Để giải đáp các thắc mắc, ba mẹ vui lòng gọi đến số Hotline 0911.69.33.99 hoặc inbox cho fanpage Học Viện Thế Giới Hạnh Phúc TẠI ĐÂY

Tài liệu tham khảo

  1. Ben-Sasson A, Carter AS, Briggs-Gowan MJ. Sensory over-responsivity in elementary school: prevalence and social-emotional correlates. J Abnorm Child Psychol. 2009 Jul;37(5):705-16. doi: 10.1007/s10802-008-9295-8. PMID: 19153827; PMCID: PMC5972374.
  2. Sensory integration education: https://www.sensoryintegrationeducation.com/pages/what-is-si
  3. The Effect of Sensory Integration Therapy on Occupational Performance in Children With Autism: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29281930/
  4. Lane, A. E., Young, R. L., Baker, A. E. Z., & Angley, M. T. (2010). Sensory processing subtypes in autism: Association with adaptive behavior. Journal of Autism and Developmental Disorders, 40(1), 112–122
  5. Autism Speak https://www.autismspeaks.org/sensory-issues
Hotline 0932 64 35 39