Những khó khăn về vận động ở trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Trẻ rối loạn phổ tự kỷ có nhiều khó khăn thường gặp như giao tiếp, tương tác, ngôn ngữ và hành vi. Một số vấn đề khác ít phổ biến hơn nhưng không kém phần quan trọng là rối loạn cảm giác, ăn uống, giấc ngủ và có thể là vận động bao gồm những kĩ năng vận động thô và vận động tinh.
Vận động thô là vận động toàn bộ cơ thể, liên quan đến các cơ lớn của cơ thể để thực hiện chức năng hàng ngày như lật, trườn, bò, đứng, đi, chạy, nhảy, ngồi thẳng. Vận động thô cũng bao gồm các kỹ năng phối hợp tay mắt như đi xe đạp, xe máy, bơi lội. Vận động tinh liên quan đến việc sử dụng các cơ nhỏ hơn của bàn tay, thường là trong các hoạt động cầm nắm như: cầm bút, kéo, cầm vật nhỏ, lắp và ghép lego, mở nắp chai…
Một số đặc điểm của trẻ rối loạn phổ tự kỷ có khó khăn vận động như:
- Chuyển động tay chân chậm, yếu và phối hợp tay chân kém.
- Khả năng cầm nắm lỏng lẻo, không chắc chắn, không phối hợp được các ngón tay, không đặt được vật vào vị trí chính xác.
- Một số trẻ rối loạn phổ tự kỷ có thể đi kèm với rối loạn phát triển phối hợp (DCD, theo tiêu chí chẩn đoán DSM-V). Rối loạn phát triển phối hợp (DCD) là cá nhân có những chuyển động hay điều khiển các cử động của cơ thể thiếu sự phối hợp, khó khăn, khác lạ so với mức phát triển của tuổi. Trẻ có rối loạn này vận động vụng về, chậm chạp, không chính xác.
Những khó khăn vận động trực tiếp tác động dai dẳng lên sinh hoạt hằng ngày. Các biểu hiện khó khăn về chuyển động bắt đầu trong tuổi phát triển của trẻ, không liên quan đến các bệnh: bại não, thiểu năng trí tuệ, yếu cơ bắp bẩm sinh…
Những nghiên cứu gần đây đang tìm kiếm mối liên hệ giữa rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn phát triển phối hợp. Những trẻ gặp đồng thời hai rối loạn thường có chung các khó khăn về lĩnh vực vận động, gồm các biểu hiện được kể trên. Các vấn đề về vận động kết hợp với giao tiếp, kỹ năng xã hội và hành vi có thể dẫn đến khó khăn trong học tập, quá trình chơi các môn thể thao sau này, làm giảm kỹ năng sống hằng ngày và khả năng thích ứng với xã hội của trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
Phương pháp vật lý trị liệu cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ gặp khó khăn về vận động
Một số bài tập của phương pháp vật lý trị liệu sẽ giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ có khó khăn về vận động thô và vận động tinh. Các khó khăn này có thể ảnh hưởng nhiều đến các kỹ năng khác của trẻ tự kỷ. Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ thu thập thông tin từ bố mẹ, bác sĩ, và các chuyên viên có tham gia trị liệu khác cho con bạn. Ngoài ra, chuyên viên sẽ lượng giá các kỹ năng vận động của trẻ rối loạn phổ tự kỷ thông qua quan sát trực tiếp khi tương tác với trẻ. Sau đó họ sẽ thảo luận và lên kế hoạch can thiệp. Vai trò của chuyên viên vật lý trị liệu là can thiệp cho trẻ tự kỷ bị rối loạn và suy giảm khả năng vận động cơ thể. Ngoài ra các bài tập vật lý trị liệu cũng ngăn ngừa tình trạng béo phì.
Các hoạt động đánh giá và can thiệp có thể diễn ra ở nhiều nơi khác nhau như ở nhà, cơ sở chăm sóc, trung tâm can thiệp sớm, bệnh viện, phòng khám và phòng chăm sóc vật lý trị liệu – phục hồi chức năng. Để thực hiện một buổi can thiệp vật lý trị liệu cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, các chuyên viên phải xem xét các đặc điểm cụ thể của từng trẻ, thảo luận và phối hợp với các thành viên khác trong nhóm.
Buổi can thiệp có thể diễn ra một cách tự nhiên để trẻ thấy thoải mái, phát huy tốt khả năng vận động của mình trong một số môi trường và không gian khác nhau. Vì vậy, đòi hỏi các chuyên viên vật lý trị liệu phải linh hoạt, không nên ép trẻ thực hiện một bài tập nào đó nếu trẻ phản đối quá nhiều.
Các bài tập vật lý trị liệu về vận động thô cơ bản như bò, đi, chạy và nhảy trên đường bằng, đường ghập ghềnh, vượt các chướng ngại vật, thăng bằng, điều khiển vật như bắt, ném; Vận động tinh như sử dụng bút, kéo, cầm nắm vật nhỏ, lắp và ghép lego lại với nhau, thực hiện mở nút chai, hộp…
Vật lý trị liệu có thể bao gồm các bài tập rèn luyện và tăng cường sức mạnh của cơ đối với trẻ có lực cơ yếu thông qua các bài tập với tạ hoặc các bài tập tự nhiên như mang các vật nặng di chuyển từ nơi này sang nơi khác… Đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ có kèm theo bại não, sức mạnh của cơ hay còn gọi là lực cơ của trẻ mạnh hơn bình thường. Với các trẻ này, thông thường thì sử dụng các bài tập như thư giãn trên banh, kéo giãn thụ động.
Phương pháp thủy trị liệu cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ gặp khó khăn về vận động
Một phương pháp khác trong vật lý trị liệu cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ đó là thủy trị liệu. Các chuyên gia vật lý trị liệu cho rằng: phương pháp hướng dẫn bơi cho trẻ tự kỷ có thể giúp trẻ học các kỹ năng bơi nhanh hơn, phát triển khả năng phối hợp các bộ phận cơ thể trong nước.
Thuỷ trị liệu là một hình thức tập thể dục được sử dụng phổ biến để can thiệp cho trẻ tự kỷ. Hoạt động này thường diễn ra trong một bể bơi an toàn cho trẻ em. Áp lực và nhiệt độ của nước đè lên cơ thể có thể xoa dịu các hành vi khó chịu của trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Nước ấm có thể giảm 90% trọng lượng cơ thể, giúp thư giãn cơ, làm giảm lực tác động lên toàn thân và là phương tiện lý tưởng để phục hồi cơ thể.
Bố mẹ có con rối loạn phổ tự kỷ có thể tham khảo phương pháp vật lý trị liệu nếu nhận thấy con mình có khó khăn về vận động. Trẻ phát triển tốt về vận động sẽ giúp cải thiện về nhận thức, điều này rất quan trọng với trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
Hiện nay, phụ huynh Việt Nam có thể cùng các kỹ thuật viên vật lý trị liệu can thiệp vận động cho trẻ tự kỷ trong chương trình can thiệp sớm. Sau đó phụ huynh có thể cho con tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao, hòa nhập của cộng đồng.
Để giải đáp các thắc mắc, ba mẹ vui lòng gọi đến số Hotline 0932.64.35.39 hoặc inbox cho fanpage Học viện Thế Giới Hạnh Phúc TẠI ĐÂY.
Tài liệu tham khảo
- Trang web: https://www.physio-pedia.com/
- Tài liệu tổng hợp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng nhi khoa bệnh viện nhi đồng 1, nhi đồng 2.